- Chị có 1 vấn đề từ trước đến giờ không làm sao thay đổi được là chị không có mê tiền. Bây giờ, chuyện đó thấy nó ảnh hưởng cuộc sống của chị quá. Chị phải kiếm tiền để nuôi con mà không mê tiền nên không có động lực làm gì quyết liệt để có nhiều tiền hết trơn á. Chị muốn biết tại sao chị lại vậy & muốn thay đổi điều đó. Nghe thật là quái dị nhưng thực sự là vậy. Mục tiêu là làm sao để chị tìm ra động lực để kiếm tiền, mê tiền được không em?
>>> Vậy là mình có 2 vấn đề cần giải quyết : 1-Tìm hiểu nguyên nhân vì đâu chị không mê tiền nói riêng và của cải vật chất nói chung. 2- Tìm ra động lực để kiếm tiền.
- Đầu tiên, em sẽ dẫn chị đi về quá khứ đời hiện tại xem lên bất cứ hình ảnh nào chị có khúc mắc với tiền. Lúc này, chị sẽ làm hai vai trò : 1 - quan sát tình huống với nhiều góc nhìn. 2- cảm nhận rõ ràng nhất về cảm xúc cũng như tư tưởng của chị lúc đó.
- Hình ảnh đầu tiên xuất hiện và rõ ràng nhất, thật ra nó luôn là hình ảnh ám ảnh chị cho tới hiện tại: Lúc chị học đại học, chị chứng kiến mẹ chị đưa tiền học cho chị hai của chị và mẹ nói đại ý là những đồng tiền này mẹ kiếm rất là cực nhọc. Cách mẹ nói chuyện làm chị hai chị rất bực và chị ném tiền trở lại, sau đó đóng cửa phòng. Mẹ chị khi đó cúi xuống nhặt nhạnh từng đồng. Chứng kiến mọi thứ chị chỉ biết nhìn, không có hành động gì, chị thấy đau lòng, thấy thương mẹ quá mà không biết làm sao. Thấy tại sao chỉ vì những đồng tiền bạc lẻ đó mà rạn nứt tình cảm gia đình.
Rồi chị nhớ đến cảnh xa hơn, cảnh bữa cơm gia đình mọi người quây quần bên nhau. Mâm cơm chẳng có gì ngoài vài miếng lạp xưởng, đậu phụ, rau mà mọi người cười nói vui vẻ, hạnh phúc. Lúc đó, nhà nghèo hơn sau này, không có tiền nhiều mà sao mọi người lại hạnh phúc. Và cảnh lúc chị tầm học lớp 5, lớp 6 chị đi chợ mua măng về, chị nhớ rất rõ lúc đó chị mua tầm 13 ngàn. Tâm trạng chị rất vui, rất tự hào về bản thân vì làm được một chuyện theo chị là giỏi giang nhưng khi về nhà cả ba và mẹ đều mắng chị vì chị mua mắc, măng đó tầm khoảng 10 ngàn thôi. Ba mẹ nói chị không biết trả giá, không biết dùng tiền. Chị cảm giác rất là ức, rất tổn thương.
Khi lớn hơn, có lần ba làm có tiền, ba mua vòng vàng tặng chị. Lúc nhận chị thấy vui nhưng chỉ dừng lại vài giây, sau đó chị thấy bình thường, thậm chí còn thấy phiền phức và không thích khi chị đi học bị bạn bè chế giễu là chị vàng khè trông như người bị bệnh gan. Nên khi chị hai chị nói chị bán sợi dây chuyền này đi, đổi ra 3 chiếc nhẫn cho 3 chị em đeo chị đồng ý ngay, miễn sao nó làm cho các chị vui chị cũng cảm thấy vui lây mà trong lòng không hề có sự tính toán gì hết.
Kỷ niệm vui nhất của chị trước giờ liên quan tới tiền là khi chị đi học, chị làm thủ quỹ, lấy tiền dẫn bạn bè đi ăn chè tới khi bị âm tiền cả bọn phải móc tiền túi góp vào. Nó gần như là kỷ niệm gắn với tiền duy nhất mà chị thoải mái.
>>>Như vậy, từ trước tới giờ chị có tiền chị cũng không thấy hạnh phúc, chứng kiến việc thiếu tiền khiến gia đình bất hạnh chị cũng không có động lực muốn kiếm tiền để thay đổi mà chỉ muốn trốn chạy. Trạng thái của chị duy nhất là chị không muốn dính mắc gì với tiền, vì chị cảm giác nó rắc rối. Cho tới khi cuộc sống đẩy chị đến hoàn cảnh làm mẹ đơn thân, không còn người chồng để hỗ trợ, chị buộc phải lao ra ngoài kiếm sống vì bản thân và cũng vì con, lúc này chị không muốn dính mắc với tiền cũng không được. Trước giờ, chị chỉ thích làm các công việc thiện nguyện, luôn lo lắng cho người ngoài hơn bản thân. Chị gồng gánh nhiều quá khiến vai chị trĩu nặng, chị đau cổ vai gáy dù không làm công việc văn phòng nhiều. Và cuộc sống sẽ còn nhiều trắc trở đợi chờ chị phía trước nếu chị vẫn giữ tư tưởng cũ không thay đổi. Chúng ta đang sống cuộc đời thực tế mà tiền là phương tiện trao đổi dù không muốn, không thích chúng ta không thể nào trốn tránh. Tư tưởng nó có thể xuất phát từ đời này hoặc nguyên nhân đến từ các tiền kiếp trải nghiệm khốc liệt trước đó em sẽ hướng dẫn chị trở lại tiền kiếp bất kỳ mà chị có tư tưởng tiêu cực này.
- Chị thấy hình một cô gái mặc chiếc đầm trắng, đầu đội vương miện trông như nữ hoàng. Cô này rất đau khổ vì vừa mất đứa con trai nhỏ. Sau đó, chồng cô này ra chiến trường, cô lặng lẽ sống ở cung điện nguy nga, đầy đủ vật chất nhưng luôn cảm thấy cô độc. Cuộc sống cứ lầm lũi như thế cho tới khi cô này già, nằm trên giường và người chồng ở cạnh bên. Lúc này, cô chỉ cảm giác sự nuối tiếc, giá như ngày đó không vào cung thì biết đâu cuộc sống đã hạnh phúc hơn. Quay lại tuổi thơ, cô sống cuộc đời cơ cực bên cha mẹ nhưng tràn ngập tiếng cười và rất hạnh phúc. Cho tới khi lớn lên đi vào cung và được vua yêu quý chọn làm vợ. Bài học trong đời đó của chị là chấp nhận thay đổi. Tư tưởng của chị đời đó là vật chất mang lại cho chị sự bất hạnh
>>> Sự bất hạnh của chị không phải do vật chất mang lại, vật chất không giết chết con trai chị, cũng như không làm cho chị cô độc. Nếu cho chị chọn lựa lại không vào cung, sống cuộc đời khổ sở cũng chưa chắc là con chị sống được và chị không cô độc. Bản chất vấn đề chỉ là chị đời đó không chấp nhận hiện thực, vì quá đau khổ chị xem mình là nạn nhân nên cố tìm ra thủ phạm đổ hết những đau khổ đó và thủ phạm chị chọn là vật chất. Vì cái bước ngoặt thay đổi khiến chị từ đang hạnh phúc xuống bất hạnh là bước ngoặt chị đi vào cung thay đổi hoàn cảnh sống. Đổ lỗi là việc dễ dàng nhất để tránh đối diện với hiện thực bản thân. Chị đau khổ, cô độc vì sau cái chết của đứa con chị không chấp nhận, chị tự thu mình lại. Chị không còn kết nối với chồng hay ai khác nên mở cảnh ra chỉ thấy mỗi chị. Chị đau khổ vì chị lựa chọn cách sống đó chứ không phải vì hoàn cảnh hay vì vật chất. Khi chị hiểu ra vấn đề chị hay kêu nhân vật của chị vào trong healing room kết nối với nhân vật bằng cả trái tim. Cho tới khi nhân vật cũng hiểu và siêu thoát thì tư tưởng gốc tiêu cực về vật chất của chị mới giảm bớt.
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu ra nguyên nhân, tiếp theo là giải quyết vấn đề ở hiện tại. Nhìn ra tư tưởng và chuyển hoá nó rất cần thời gian, gần như là thay đổi cả nhận thức, khiến bạn thay đổi cả năng lượng nên không thể đùng một cái từ không muốn vướng mắc với tiền mà trở nên yêu tiền ngay được. Mục đích của chị lúc này không phải làm cách nào yêu tiền, mà là chuyển mục đích. Hiện tại điều gì khiến chị vui, và hạnh phúc nhất- Con chị. Điều gì bắt buộc chị thay đổi tư tưởng- là con chị. Vậy giờ mọi thứ chị làm mục đích lớn nhất, động lực lớn nhất là con chị mà tiền chỉ là một trong các phương tiện mang đến điều đó.
- Mà em ơi, nếu lấy động lực là con chị thì chị lo tới lúc nó lớn hơn mọi thứ thay đổi, lúc đó ví dụ như con chị tự lập. Lúc đó, chị không còn động lực thì như thế nào?
- Đương nhiên động lực tự thân là cái mạnh mẽ và bền bỉ nhất, vấn đề ở đây như em nói chúng ta không thể một lúc thay đổi tư tưởng ngay được mà rất cần sự chuyển hoá dần. Mà trong lúc này, chị bắt buộc phải kiếm sống nên phải tìm được động lực là con chị chứ không phải là tiền. Đùng một cái bắt chị yêu tiền chị sẽ ko làm được. Đó là trước mắt những thứ mình cần làm và tương lai thì chị lại quá lo xa. Khi con chị lớn, biết đâu giai đoạn đó chị đã có trải nghiệm đủ với tiền, chị đã chữa lành được tư tưởng tiêu cực, biết đâu chị lại thấy không vấn đề gì với tiền nữa. Hoặc giả trường hợp ngược lại thì cũng chả sao, lúc đó chị có thể sống cuộc đời tự do không vướng mắc với tiền nữa, có thể làm các công việc thiện nguyện chị yêu thích vì chị không còn phải lo lắng cho bé nữa.
Mỗi một người sẽ có một bài học khác nhau mà chúng ta bắt buộc phải học để trưởng thành. Một là nhận thức mình phát triển và tự học. Hoặc đời sẽ xảy ra đủ biến cố đối với bản thân bạn buộc bạn phải học, lúc đó học sẽ vất vả hơn nhiều. Mà nếu không chịu học thì sẽ bị loại, chẳng ai tránh né được dù muốn hay không vì đó là mục đích của linh hồn mình khi chọn đầu thai .
Chia Sẻ: